Mê tín dị đoan là một hủ tục ở Việt Nam là một dạng thức tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ lâu đời. Điều đáng quan ngại là cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước trên mọi lĩnh vực, thì hiện tượng mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại, biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin và sự thiếu hiểu biết của nhiều người. Đáng chú ý, hiện nay, nhiều hoạt động “mê tín, dị đoan” núp bóng dưới danh nghĩa “phong tục tập quán”, “tín ngưỡng, tôn giáo” trở nên khó kiểm soát. Không ít người dân vì không phân biệt được giữa “tín ngưỡng, tôn giáo” và “mê tín, dị đoan” nên đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Mê tín là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không có căn cứ nào để chứng minh. Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (tin vào bói toán, ông đồng, bà cốt, chữa bệnh bằng phù phép, bùa chú, giải hạn, trình đồng…) dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng. Lợi dụng vấn đề này, từ nhiều năm nay trên địa bàn xã Đắk Sin một số đối tượng cầm đầu đã cấu kết với nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh đã lợi dụng để truyền bá mê tín dị đoan làm ảnh hưởng xấu đến phong tục truyền thống, gây ra những hệ lụy không nhỏ cho đời sống, xã hội và gieo rắc mê tín dị đoan nhằm trục lợi cho bản thân.
Các diễn viên quần chúng ở “giả thần, áp vong”
Đơn cử mới đây, trên địa bàn thôn 4, các đối tượng cầm đầu trong xã đã cấu kết với các đối tượng ở Gia Lai và Thanh Hóa “giả thần, áp vong” cho một người dân tại đây; qua các hoạt động của các đối tượng, chúng ta có thể nhận thấy để buổi “giả thần, áp vong” được thành công tốt đẹp, có sự góp sức không nhỏ của các đối tượng “diễn viên” trên địa bàn xã. Nguy hiểm hơn, có cả đối tượng là trẻ em bị lôi kéo, dụ dỗ vào “cuộc chơi” này. Lực lượng chức năng xã Đắk Sin sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những người tiếp tay, cổ súy nhóm đối tượng này, đối với những người có hành vi hoạt động mê tín dị đoan thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“giả thần, áp vong”
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan theo quy định tại Điểm đ, khoản 7, Điều 14 Nghị định 38/2021.Bên cạnh đó, trường hợp người dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng theo Khoản 3 Điều 320 Bộ luật Hình sự.
Để tránh rơi vào cạm bẫy và những lời dụ dỗ, chiêu trò của những kẻ lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng để mê hoặc lòng người, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những tri thức, kỹ năng, vốn sống, vốn hiểu biết cần thiết để nhận diện, phân biệt được bản chất thật của những câu chuyện, vụ việc liên quan; giữa ranh giới của niềm tin, tín ngưỡng, phong tục truyền thống với mê tín dị đoan, lừa đảo; xây dựng thế giới quan khoa học, vững tin vào cuộc sống.